Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị

 589 lượt xem
 

Từng bước hiện đại hóa nông thôn 
Thành phố Hà Nội được mở rộng theo Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội, có diện tích tự nhiên 3.329 km2. Trong đó diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp có trên 188 ngàn ha; đến nay, dân số Hà Nội có trên 8,05 triệu người. Dân số lao động trẻ, đã qua đào tạo lớn nhất cả nước là tiền đề phát triển cho Thành phố. 
Ngay sau khi Trung ương triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Đồng thời tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết cho các đồng chí cán bộ chủ chốt của Thành phố, các quận, huyện, thị xã. Theo đó, các sở, ban, ngành Thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy và các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tích cực chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Trung ương và Thành phố đã chủ động, tích cực, tập trung tuyên truyền sâu, rộng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương, Chương trình hành động số 02-CTr/TU của Thành ủy về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Thông qua việc học tập, quán triệt và thông tin tuyên truyền Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Thành phố đều thống nhất cao với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp lớn đã nêu trong Nghị quyết; đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, đã giúp người dân hiểu rõ lợi ích, xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từ đó tham gia tích cực bằng nhiều hình thức, hoạt động cụ thể như: Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương...
 Trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình của Thành ủy đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn từ Thành phố đến xã, thôn và người dân được trên 85 nghìn lượt người. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã cũng đã tổ chức tập huấn cho các hội viên, thành viên và nhân dân hiểu rõ về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 02 của Thành ủy với số lượng hàng nghìn lượt người/năm.
Kết quả xây dựng nông thôn mới đã làm cho khoảng cách chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn dần thu hẹp. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao. 
Với quyết tâm thực hiện dồn điền, đổi thửa, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được hình thành, bước đầu đạt kết quả tốt. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, một số nơi đạt 1-2 tỷ đồng/ha. Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống đê điều, kênh mương thuỷ lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ và tiêu úng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh; đến nay cơ bản không còn nhà dột nát. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,2%, môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ. 
 Phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 1, bước vào giai đoạn 2016 - 2020, trên tinh thần Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 - 2020 mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/10/2016 thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy.
 Ngay từ đầu năm 2016, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành các quận, huyện, thị xã và các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố tới cơ sở tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và sâu rộng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các huyện đã tổ chức lễ phát động Phong trào thi đua: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn toàn huyện, được đông đảo các cơ quan, đơn vị và người dân hưởng ứng tham gia. Công tác tuyên truyền được quan tâm, thông qua nhiều hình thức như: Hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, pano áp phích, băng rôn, khẩu hiệu... tuyên truyền các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền xây dựng làng, thôn, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, các mô hình điển hình tiên tiến, các ứng dụng khoa học kỹ thuật... nhằm phát triển sản xuất nâng cao thu nhập giúp giảm nghèo bền vững. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp từ Thành phố đến huyện, xã và các thôn, qua các lớp tập huấn năng lực tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp ngày càng được nâng cao. 

“Trái ngọt” từ quyết tâm cả hệ thống chính trị 
Kết quả đạt được: Nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010 - 2019 đã phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 02 năm so với mục tiêu của Chương trình, tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010. Thành phố đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3 ha đất nông nghiệp (đạt 104,6% so với Kế hoạch). Sau dồn điền, đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%). Có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. 
Đến nay, thành phố Hà Nội có 06 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ trình công nhận Thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019. Về xây dựng xã nông thôn mới: Toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu đề ra) và 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. 
 Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 7,52% (theo chuẩn cũ năm 2010) xuống còn 1,81% đầu năm 2019 theo chuẩn mới. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%, tăng 16% so với năm 2010, trong đó có trên 57% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tăng 25% so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. 
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách các cấp hỗ trợ, từ năm 2010 đến nay toàn bộ 12/12 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 633 tỷ đồng. Trên 1.000 cá nhân hộ gia đình đã đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền trên 100 triệu đồng/hộ để xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như gia đình bà Đinh Thị Bằng ở thôn Trần Phú xã Minh Cường, huyện Thường Tín ủng hộ 23 tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa, trụ sở UBND xã và các công trình phúc lợi khác của địa phương; hộ gia đình ông Hoàng Việt Hùng ủng hộ 10 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế xã Mai Lâm, huyện Đông Anh; ông Phạm Thế Vinh ủng hộ 6 tỷ đồng xây dựng một số công trình văn hóa quê nhà ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì; ông Nguyễn Trí Dũng xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất ủng hộ 4 tỷ đồng xây dựng trường Mầm non Hương Ngải...
Thành phố Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, 01 Cờ thi đua; 67 tập thể, 07 cá nhân và 11 hộ gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 10 tập thể, 09 cá nhân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen; 53 tập thể, 58 cá nhân và 14 hộ gia đình được Thành ủy tặng Bằng khen; 39 cờ thi đua, 303 tập thể, 359 cá nhân và 825 hộ gia đình được UBND thành phố tặng Bằng khen và hàng nghìn Giấy khen cho các tập thể, cá nhân, hộ gia đình được sở, ngành, các huyện, thị xã khen thưởng đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trong 10 năm qua.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định khen thưởng 27 tập thể, 30 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (Quyết định số 7486-QĐ/TU ngày 20/9/2019 của Thành ủy Hà Nội). UBND thành phố Hà Nội quyết định khen thưởng 118 tập thể, 138 hộ gia đình, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. 
Sau 10 năm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã đạt được những kết quả khá tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. 
                                                                                                                                                                    Hoài Thanh 

 
Ý kiến của bạn